Sự hình thành tim thai là một khoảng thời gian đặc biệt trong thai kỳ. Nhịp tim cho biết sự tồn tại của thai nhi trong bụng mẹ, là kỷ niệm mang thai đầu tiên của nhiều bậc cha mẹ. Trong thời kỳ mang thai, tim thai sẽ có nhiều thay đổi trong quá trình phát triển, ảnh hưởng đến chức năng, kích thước, nhịp đập của nó.
1. Sự hình thành tim thai
Trong thời kỳ mang thai, ở ngày thứ 16 của thai kỳ, phôi thai bắt đầu xuất hiện hai mạch máu tạo thành hai ống dẫn của tim. Bước sang tuần thứ 5 của thai kỳ, thai nhi được 3 tuần tuổi phôi thai bắt đầu có hình hài và ống thần kinh đã hình thành. Cuối tuần thứ 5 là lúc hạt nhỏ ở giữa phôi bắt đầu hình thành, làm tiền đề phát triển tim thai về sau. Tuy nhiên, tim thai chỉ thực sự lớn dần khi thai nhi bước sang tuần thứ 7 của thai kỳ.
Sang tuần thứ 7 của thai kỳ, tim thai lớn dần và bắt đầu phân thành hai buồng trái và buồng phải. Tuần thứ 11 của thai kỳ, tim thai bắt đầu đập nhẹ và gần như hoàn thiện đến khoảng tuần thứ 12. Tuần thứ 14 tim thai đập rõ hơn. Sang tuần thai thứ 16 đã có thể bơm máu với một lượng khoảng 24 lít/ngày và số lượng này có thể sẽ tiếp tục tăng cùng với sự phát của trẻ. Lúc này, về mặt cấu tạo tim đã bắt đầu hoàn chỉnh và đảm nhiệm chức năng của mình.
Từ các tuần thai tiếp theo đến khi bé chào đời, tim của thai nhi sẽ tiếp tục phát triển, kích thước và khối lượng lớn hơn. Nhịp tim đập bình thường khoảng 120-160 lần/phút.
2. Khi nào mẹ có thể nghe được tim thai của trẻ?
Tuần thứ 6 của thai kỳ, tim của trẻ đập khoảng 110 lần/ phút, và nhịp tim tăng lên 150-170 nhịp/ phút trong vòng 2 tuần tiếp theo, lúc này tim trẻ đập nhanh gấp 2 lần tim của mẹ.
Theo sự tăng trưởng này, bà mẹ có thể nghe thấy tim thai của trẻ lần đầu tiên ở tuần thứ 9 hoặc tuần thứ 10 của thai kỳ. Nhịp tim sẽ vào khoảng 170 lần/phút và sẽ chậm dần trở đi. Khi khám, nếu muốn nghe tim thai, bác sĩ sẽ đặt một thiết bị siêu âm cầm tay hay còn gọi là doppler lên trên bụng mẹ để khuếch đại âm thanh.
Tuần thứ 12 của thai kỳ, tủy xương của trẻ bắt đầu sản xuất tế bào máu. Cho đến tuần thứ 17, bộ não của thai nhi bắt đầu điều chỉnh nhịp tim để chuẩn bị hỗ trợ em bé ở thế giới bên ngoài, lúc này tim đã đập một cách tự nhiên. Vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ, mẹ có thể nghe thấy tim thai qua ống nghe.
3. Khi nào cần siêu âm và đánh giá khuyết tật tim bẩm sinh
Tim thai giao động từ 120-160 lần/ phút, tuy nhiên có thể tăng nhanh lên 180 lần/ phút nếu trẻ cựa quậy nhiều trong bụng mẹ. Nhịp tim thai theo tuần thai kỳ cũng sẽ thay đổi. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý nếu tim thai dưới 120 lần/ phút ở tuần thứ 6-8 thì có nguy cơ sảy thai rất cao.
Những trường hợp nhịp tim thai dưới 110 lần/ phút được coi là nhịp tim chậm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới nhịp tim của thai nhi chậm như khả năng lưu thông máu kém, thai phụ có huyết áp thấp, dị tật thai nhi hoặc bất thường nhau thai.
Từ tuần thứ 6 đến tuần thứ 9 của thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm tam cá đầu tiên để xác nhận sự mang thai, tính tuổi thai và kiểm tra tim thai có khỏe không. Việc siêu âm tim thai từ tuần 18 đến 24 sẽ giúp bác sĩ đánh giá sâu hơn. Đặc biệt đối với những bà mẹ có tiền sử gia đình bị dị tật tim bẩm sinh, hoặc mắc bệnh phenylketon, tiểu đường hay bệnh tự miễn,… nên thông báo cho bác sĩ biết.
Mỗi năm có khoảng 36000 trẻ sơ sinh được sinh ra có khuyết tật tim bẩm sinh. Do đó việc siêu âm tim thai là rất quan trọng, giúp cho người mẹ xác định được nơi sinh con, và nơi chăm sóc tim mạch của trẻ ngay sau sinh.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, có thể cần phải được phẫu thuật ngay sau sinh. Một số khuyết tật khác phải đợi khi bé lớn mới phẫu thuật được, hoặc điều trị bằng thuốc.
4. Tim của trẻ khi chào đời
Hệ thống tuần hoàn của thai nhi sẽ liên tục phát triển đều đặn cho đến khoảng tuần thứ 40 thì sẵn sàng cho sự chào đời. Chức năng của hệ thống tuần hoàn rất khác nhau khi trẻ bên trong tử cung và khi chào đời. Trước khi sinh, phổi của trẻ chưa hoạt động do trẻ không thở được trong tử cung. Dây rốn cung cấp máu giàu oxy và chất dinh dưỡng cho hệ thống tuần hoàn phát triển.
Trái tim của thai nhi có hai shunts là lỗ bầu dục và ống động mạch. Lỗ bầu dục nối thông giữa tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái. Máu từ tĩnh mạch rốn của bào thai đổ về tĩnh mạch chủ dưới, về tâm nhĩ phải, từ đây máu qua lỗ bầu dục nằm giữa 2 tâm nhĩ đến tâm nhĩ trái, xuống tâm thất trái, theo động mạch chủ lên đến nuôi dưỡng các cơ quan phần trên của bào thai.
Sau đó theo tĩnh mạch chủ trên trở về tâm nhĩ phải xuống tâm thất phải, vào động mạch phối gốc. Do phổi chưa hoạt động, nên chỉ có 10% lượng máu lên phổi để nuôi phổi, còn 90% qua ống động mạch vào động mạch chủ xuống đến nuôi dưỡng các cơ quan phần dưới của bào thai. Máu từ tâm nhĩ phải qua tâm nhĩ trái, từ động mạch phổi theo ống động mạch qua động mạch chủ là do áp lực hệ mạch máu phổi cao hơn áp lực hệ mạch máu động mạch chủ.
Khi trẻ được sinh ra, phổi của trẻ bắt đầu hoạt động, máu không còn đi từ hệ mạch máu phổi qua hệ mạch máu động mạch chủ nữa, nên lỗ bầu dục và ống động mạch đóng dần đến bít hẳn, hệ tuần hoàn của trẻ hoạt động như người bình thường.
5. Bà mẹ cần làm gì để giúp trái tim của trẻ khỏe mạnh?
Thời gian thai kỳ là thời gian rất nhạy cảm, trẻ liên tục phát triển và có nhiều sự thay đổi trong bụng mẹ. Môi trường bên ngoài có thể gây ảnh hướng đến sự phát triển của các tế bào của trẻ. Để giúp trái tim của trẻ khỏe mạnh và giúp cho sự phát triển diễn ra bình thường, thai phụ cần lưu ý:
- Uống acid folic và lựa chọn thực phẩm chứa acid folic trước và trong khi mang thai. Điều này có thể ngăn ngừa bệnh tim bẩm sinh ở trẻ.
- Không sử dụng chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,…
- Kiểm soát tốt đường huyết trong thời kỳ mang thai nếu mẹ mắc đái tháo đường type 2 hoặc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
- Không sử dụng những loại thuốc được khuyến cáo không dùng cho phụ nữ có thai như thuốc trị mụn trứng cá Accutane,…
Sự hình thành tim thai là dấu hiệu của sự tồn tại thai nhi trong bụng mẹ, là một khoảng thời gian đặc biệt trong thai kỳ. Lúc này, bà mẹ cần lưu ý đến nhịp tim của thai, siêu âm thai thường xuyên, đúng lịch để kiểm tra tình trạng tim mạch cũng như sự phát triển của trẻ, nhằm phát hiện sớm những dị tật bẩm sinh và có phương pháp điều trị sớm.
Để lại một phản hồi